Chính quyền địa phương Hành_chính_Việt_Nam_thời_Tiền_Lê

Lãnh thổ nhà Tiền Lê kế tục nhà Ngô và Đinh nằm trên 8 châu thời thuộc Đường là Giao, Lục, Phong, Ái, Hoan, Phúc Lộc, Trường, Diễn[3]. Sử cũ không ghi chép đầy đủ, hệ thống về tên và vị trí các đơn vị hành chính ra sao[7]. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại thời điểm điều chỉnh về hành chính của Lê Đại Hành vào tháng 3 năm 1002: ông đổi mười đạo thời Đinh làm lộ, phủ, châu[6].

Theo Nguyễn Trãi thì thời Tiền Lê có tổng số có trên 5 triệu đinh, nhưng các sử gia cho rằng con số này cao hơn thực tế[8].

Sử cũ ghi lại việc Lê Đại Hành phong vương và chia đất cho 11 hoàng tử như sau:

  1. Lê Ngân Tích (Long Tích) làm Đông Thành vương
  2. Lê Long Việt làm Nam Phong vương
  3. Lê Long Đinh làm Ngự Man vương, đóng ở Phong Châu, tỉnh Thanh Hóa
  4. Lê Long Đĩnh làm Khai Minh vương, đóng ở Đằng Châu, xã Bắc Kiên, Kim Động, Hải Dương
  5. Lê Long Cân làm Ngự Bắc vương, đóng ở Phù Lan
  6. Lê Long Tung làm Định Phiên vương, đóng ở Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang, Thanh Hóa
  7. Lê Long Tương làm Phó vương, đóng ở Đỗ Động Giang, Hà Tây cũ
  8. Lê Long Kính làm Trung Quốc vương, đóng ở Càn Đà, Mạt Liên
  9. Lê Long Mang làm Nam Quốc vương, đóng ở Vũ Lung
  10. Lê Long Đề (Minh Đề) làm Hành Quân vương, đóng ở Bắc Ngạn, Cổ Lãm
  11. Con nuôi làm Phù Đái vương, đóng ở Phù Đái

Ngoài ra, còn một số đơn vị hành chính lớn được sử nhắc đến trong thời kỳ này, không đầy đủ, bao gồm[9]:

  1. Phủ Đô hộ: là khu vực thành Đại La, tức một phần thành phố Hà Nội (chưa bao gồm phần mở rộng thuộc Hà Tây cũ)
  2. Lộ Bắc Giang, tương đương tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh
  3. Phong châu, tương đương vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc
  4. Phủ Thái Bình (Đằng châu cũ), tương đương Hưng Yên hiện nay
  5. Châu Ái, tương đương khu vực tỉnh Thanh Hóa
  6. Châu Thái Nguyên, tương đương tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn
  7. Châu Hoan Đường tương đương tỉnh Nghệ An
  8. Châu Thạch Hà tương đương với vùng Hà Tĩnh
  9. Châu Đô Lương: chưa xác định được ở đâu
  10. Châu Thiên Liễu: chưa xác định được ở đâu